Bộ TN&MT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Môi trường


MÔI TRƯỜNG – PV – 19:54 07/11/2022

(TN&MT) – Ngày 7/11/2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành Quyết định 3028/QĐ-BTNMT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Môi trường. Đây là một trong 3 đơn vị được hình thành mới sau khi Tổng cục Môi trường thay đổi chức năng nhiệm vụ theo Quyết định của Chính phủ đối với chức năng nhiệm vụ mới của Bộ TN&MT.

Theo Quyết định, Vụ Môi trường là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về: xây dựng, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; đánh giá môi trường chiến lược; đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đánh giá tác động môi trường; trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (EPR); tổng hợp, báo cáo về công tác bảo vệ môi trường.

Nhiệm vụ và quyền hạn

Vụ Môi trường có 15 nhiệm vụ và quyền hạn gồm:
1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các văn bản quản lý nhà nước khác về bảo vệ môi trường theo phân công của Bộ trưởng;
b) Dự thảo chiến lược, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường theo phân công của Bộ trưởng;
c) Đề xuất chính sách về thuế, phí bảo vệ môi trường, phát hành trái phiếu xanh và các công cụ kinh tế khác để huy động, sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức xây dựng, thẩm định, góp ý chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường sau khi được phê duyệt, ban hành theo phân công của Bộ trưởng.
3. Hướng dẫn việc xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh; tổ chức xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng; tổ chức lập, trình phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện, đánh giá thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia theo quy định của pháp luật.
4. Giúp Bộ trưởng thực hiện công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án khai thác khoáng sản, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất:
a) Tham gia ý kiến đối với nội dung đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường;
c) Xây dựng, cập nhật và ban hành hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất hoặc xem xét công nhận kỹ thuật hiện có tốt nhất đã được áp dụng tại Nhóm các nước công nghiệp phát triển được phép áp dụng tại Việt Nam và tổ chức thực hiện;
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, phương án cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác khoáng sản (trừ trường hợp thẩm định trong quá trình cấp giấy phép môi trường) theo quy định của pháp luật;
đ) Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, phương án cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và trình Bộ trưởng phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật;
e) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của dự án đầu tư theo yêu cầu của quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn thi công, xây dựng trước khi vận hành dự án hoặc trước khi được Bộ Tài nguyên
và Môi trường cấp giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật.
5. Giúp Bộ trưởng thực hiện việc tổng hợp, đánh giá, báo cáo về công tác bảo vệ môi trường:
a) Xây dựng bộ chỉ số và hướng dẫn đánh giá kết quả công tác bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức thực hiện sau khi được Bộ trưởng ban hành; tổ chức đánh giá hàng năm và trình Bộ trưởng phê duyệt kết quả đánh giá công tác bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật và tổ chức công bố;
b) Hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về chuyên môn, nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
c) Hướng dẫn, tổ chức xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
d) Tổng hợp, báo cáo chung về lĩnh vực môi trường liên quan đến chức năng của nhiều đơn vị.
6. Về thực hiện chức năng thường trực Hội đồng EPR quốc gia, kiêm nhiệm Văn phòng giúp việc của Hội đồng EPR quốc gia và giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện các quy định về trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu:
a) Trình Bộ trưởng quyết định thành lập Hội đồng EPR quốc gia; quyết định ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng giúp việc của Hội đồng EPR quốc gia và các văn bản khác liên quan đến thực hiện quy định pháp luật về trách nhiệm tái chế và thu gom, xử lý sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia; Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu; Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu;
b) Trình Bộ trưởng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành, điều chỉnh định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì theo quy định của pháp luật; quyết định điều chỉnh, ban hành mức đóng góp tài chính tăng dần; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất,
nhập khẩu; 

c) Công bố danh sách tổ chức, đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì theo quy định của pháp luật;
d) Hướng dẫn và tổ chức tiếp nhận, tổng hợp việc đăng ký kế hoạch tái chế hằng năm và báo cáo kết quả tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu;
đ) Hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế và tổ chức xét duyệt, phê duyệt kết quả thẩm định và các đề nghị hỗ trợ tài chính theo quy định của pháp luật; công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động, sản phẩm tái chế của năm tiếp theo;
e) Hướng dẫn việc kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải; tổng hợp và công khai việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;
g) Xây dựng, quản lý và vận hành Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia. 
7. Xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, đánh giá tác động môi trường và các cơ sở dữ liệu môi trường khác thuộc phạm vi quản lý của Vụ để tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.
8. Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước của Vụ; triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Vụ; làm cơ quan đầu mối quốc gia, các điều ước và thỏa thuận quốc tế về môi trường theo phân công của Bộ trưởng.
9. Tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật, kiểm tra, đánh giá, tổng kết tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo phân công của Bộ trưởng; trả lời các tổ chức và cá nhân về chính sách, pháp luật môi trường theo phân công của Bộ trưởng.
10. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường theo phân công của Bộ trưởng.
11. Thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật và theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Bộ.
12. Tham gia xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác thống kê về môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
13. Báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao. 
14. Quản lý công chức, tài sản thuộc Vụ theo quy định của pháp luật.
15. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng phân công.

Về cơ cấu tổ chức và chế độ làm việc, Vụ Môi trường có Vụ trưởng, không quá 3 Phó Vụ trưởng và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Vụ trưởng Vụ Môi trường chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Vụ; ban hành quy chế làm việc và điều hành hoạt động của Vụ; ký các văn bản về chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các văn bản khác theo phân công của Bộ trưởng.
Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường giúp việc Vụ trưởng, chịu trách nhiệm
trước Vụ trưởng về lĩnh vực công tác được phân công.
Theo Quyết định, Vụ Môi trường làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp chế độ chuyên viên. Vụ trưởng phân công nhiệm vụ đối với công chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn và năng lực chuyên môn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.