Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường (CHERAD), tổng lượng chất thải nhựa y tế phát sinh tại 08 bệnh viện là 61 tấn mỗi tháng, 1/3 trong số này là rác thải lây nhiễm và chỉ có 16% tổng lượng chất thải nhựa được phân loại để xử lý. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các quy định pháp lý hiệu quả, sự cần thiết của việc thực thi tốt hơn cũng như đầu tư đầy đủ để cải thiện việc quản lý chất thải nhựa y tế, từ đó giảm thiểu các mối đe dọa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Ngày 7/7/2023, với sự hỗ trợ của cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) và tổ chức Winrock International đã tổ chức cuộc họp tham vấn kỹ thuật các bên liên quan nhằm chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng quản lý chất thải nhựa y tế tại một số cơ sở y tế và kết quả rà soát chính sách về quản lý chất thải y tế tại Việt Nam và kết nối các bên liên quan để thực hiện sáng kiến. Cuộc họp có sự tham gia của Bà Vũ Thị Thu Hằng – Phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Bà Nguyễn Thị Hoàng Nhã – Chánh văn phòng Cục quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế; TS. Trần Anh Dũng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế cùng đại diện các Bệnh viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, nhà khoa học và các đại diện đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, các hội/mạng lưới trong lĩnh vực chất thải nhựa.
Cuộc họp này là một trong những nỗ lực đầu tiên của CHERAD và dự án Giảm thiểu ô nhiễm từ USAID trong việc thực hiện Sáng kiến “Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế”. Hội thảo có sự tham gia của gần 50 đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành liên quan, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, các bệnh viện tại Hà Nội, Cần Thơ, Phú Thọ, Bình Định, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, các tổ chức phi chính phủ, mạng lưới, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa và cung cấp giải pháp môi trường.
Khảo sát của CHERAD cho thấy nhu cầu cấp thiết đối với các bệnh viện trong việc cải thiện thực hành phân loại chất thải, tăng cường kết nối với các công ty thu gom và tái chế chất thải cũng như củng cố hệ thống pháp luật về quản lý chất thải nhựa y tế. Đặc biệt, cần cung cấp hướng dẫn chi tiết và các biện pháp khuyến khích liên quan cho việc mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường và giảm thiểu nhựa sử dụng một lần trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Dựa trên những phát hiện chính của các cuộc khảo sát và thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đã bước đầu xác định được mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp về quản lý chất thải nhựa y tế và các biện pháp can thiệp trong xử lý chất thải nhựa y tế tại các bệnh viện thí điểm. Bên cạnh đó, các khuyến nghị cụ thể để xây dựng và thực thi chính sách trong lĩnh vực quản lý chất thải nhựa y tế cũng đã được thu thập.