THỤY ĐIỂN – Nhà máy Site Zero rộng 60.000 m2 có thể phân loại tới 200.000 tấn rác nhựa mỗi năm nhờ hệ thống camera hồng ngoại.
Thụy Điển khánh thành nhà máy Site Zero ở trung tâm thành phố Motala, dự kiến giúp tăng gấp đôi số bao bì nhựa được tái chế ở nước này, CGTN hôm 19/11 đưa tin. Nhờ công nghệ tiên tiến, nhà máy có khả năng phân loại tới 200.000 tấn bao bì nhựa mỗi năm, theo công ty phi lợi nhuận Sweden Plastic Recycling. Công ty cho biết, con số này nhiều hơn bất cứ cơ sở phân loại nhựa nào khác trên thế giới.
Một nhà máy cũ ở cùng địa điểm chỉ có thể phân loại 5 loại nhựa, đồng nghĩa khoảng 47% vật liệu được tái chế, số còn lại vẫn phải đem đốt, theo Mattias Philipsson, CEO của Sweden Plastic Recycling. Trong khi đó, nhà máy mới có thể giúp 95% bao bì nhựa được tái chế, tối thiểu hóa số lượng bị đốt. Đốt nhựa ảnh hưởng tới khí hậu do thải thêm khí nhà kính vào khí quyển.
Thế giới sản xuất hơn 430 triệu tấn nhựa mỗi năm, trong đó 2/3 là những sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn, nhanh chóng trở thành rác thải, tràn vào các đại dương và xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người, theo báo cáo tháng 4 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc. Lượng rác thải nhựa toàn cầu dự kiến tăng gấp ba lần vào năm 2060, khoảng 1/2 đưa tới bãi chôn lấp và dưới 1/5 được tái chế.
Tại Site Zero, nhà máy rộng 60.000 m2, các băng chuyền vận chuyển 40 tấn rác thải nhựa hỗn hợp mỗi giờ. Sau đó, các loại giấy gói chocolate, túi nylon, hộp sữa chua hay polystyrene trắng dần dần được chia nhỏ, sắp xếp theo kích thước và phân loại theo quy trình hoàn toàn tự động dựa trên hệ thống camera hồng ngoại. Asa Stenmarck, chuyên gia tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển, tin rằng cuối cùng sẽ có thị trường cho toàn bộ 12 loại nhựa mà nhà máy phân loại.
Sau khi phân loại, nhựa có thể được tái chế theo cách cơ học truyền thống, hoặc theo phương pháp hóa học, thường sử dụng nhiệt hoặc các dung môi hóa học để phân giải nhựa thành chất lỏng và khí để tạo ra hỗn hợp giống dầu hoặc các hóa chất cơ bản.
Philipsson cho biết, dù nhà máy phân loại tốt hơn sẽ giúp tăng lượng nhựa được tái chế ở Thụy Điển, mức độ hiệu quả cũng phụ thuộc vào việc các hộ gia đình phân loại rác thải đúng cách. “Đa số nhựa vẫn bị đem đốt vì chúng không được các hộ gia đình phân loại”, ông nói.