Sự thật đắng lòng: Những tác động của đồ uống có đường đến sức khỏe


Trà sữa, cà phê Frappuccino và nước ngọt – những đồ uống có đường này hấp dẫn đến mức chúng ta không thể không uống trong bữa ăn. Tuy nhiên, những đồ uống này không hề vô hại như chúng ta tưởng.

Tìm hiểu các thành phần trong đồ uống

Thành phần phổ biến nhất trong đồ uống có đường, ngoài nước, là đường. Đường có nhiều dạng, bao gồm sucrose, fructose, glucose và lactose. Sucrose là một loại đường ăn phổ biến bao gồm glucose và fructose, và nó là thành phần chính của nhiều loại đồ uống có đường.

Đường Fructose nguồn gốc từ xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, và lượng đường dư thừa sẽ tăng gánh nặng cho gan khi chuyển hóa chúng. Trong khi đó, glucose chủ yếu có nguồn gốc từ carbohydrate. Glucose có thể cung cấp năng lượng nhanh chóng nhưng cũng có thể gây ra hiệu ứng yo-yo khiến lượng đường trong máu tăng giảm đột biến.

Đồ uống có đường làm từ sữa sẽ có đường lactose – một loại đường chỉ có tự nhiên trong sữa và cung cấp nguồn canxi dồi dào. Tuy nhiên, thủ phạm đằng sau việc tăng cân thường là lượng đường bổ sung, đặc biệt là khi ăn quá nhiều.

Những đồ uống này còn thiếu gì?

Đồ uống có đường thường thiếu mất những thành phần có lợi cho sức khỏe. Không giống như thực phẩm nguyên chất cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất xơ thiết yếu, những đồ uống này ngoài hàm lượng đường dồi dào thì cung cấp dinh dưỡng rất ít.

Tiêu thụ quá nhiều đường dẫn đến chế độ ăn uống không cân bằng và thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hoạt động bình thường. Thói quen này đặc biệt không tốt đối với trẻ em đang lớn vì lượng đường tiêu thụ quá nhiều sẽ cản trở hấp thụ các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng khác và làm gia tăng nguy cơ sâu răng sữa.

Tác động đến sức khỏe

Ngoài thỏa mãn cơn khát khi uống đồ uống có đường, còn có nhiều vấn đề sức khỏe mà chúng ta không thể bỏ qua. Những đồ uống này thường chứa nhiều calo rỗng dẫn đến tăng cân và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn. Đối với người mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng đột biến do hàm lượng đường cao khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn nhiều. Bệnh tiểu đường khi kiểm soát kém sẽ gây ra phản ứng viêm khi cơ thể phải vật lộn để chống lại dòng bệnh đột ngột tràn vào. Tình trạng viêm kéo dài sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe bao gồm bệnh tim, béo phì và một số bệnh ung thư.

Đồ uống có đường cũng có khả năng làm tăng chất béo trung tính – một dạng cholesterol xấu – và có thể là chất xúc tác gây ra gan nhiễm mỡ.

Việc tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường thường ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe răng miệng. Lượng đường dồi dào trong đồ uống là bữa tiệc sang trọng dành cho vi khuẩn có hại trong miệng, làm sản sinh ra nhiều axit làm mòn men rang và dẫn đến sâu răng.

Hé lộ sự thật cay đắng

Đồ uống có đường không chỉ lôi cuốn mà còn cải thiện tạm thời tâm trạng của chúng ta. Sau cảm giác hưng phấn ban đầu khi tiêu thụ những đồ uống như vậy, lượng đường trong máu sẽ sụt giảm nhanh chóng làm thay đổi tâm trạng thất thường, khiến chúng ta dễ cáu gắt hơn bình thường. Trải qua cảm xúc thất thường liên tục sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể.

Đồ uống có đường còn có tác động đến quá trình hydrat hóa. Mặc dù chúng có thể làm dịu cơn khát tạm thời nhưng về lâu dài lại làm mất nước trong cơ thể. Trên thực tế, những đồ uống này khiến chúng ta cảm thấy khát hơn sau khi uống. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để giữ nước chính là uống nước lọc hoặc lựa chọn các đồ uống lành mạnh hơn, chẳng hạn như nước trái cây hoặc trà không đường.

Một số nghiên cứu khoa học cũng cho thấy đồ uống có đường có thể gây nghiện. Điều này là do hàm lượng đường cao trong những đồ uống này tác động đến trung tâm thần kinh khoái cảm của não.

Kết luận cuối cùng về đồ uống có đường

Sự thật chính là tiêu thụ đồ uống có đường sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp y tế cần sử dụng đồ uống có đường, chẳng hạn như để kiểm soát tình trạng hạ đường huyết – là tình trạng đường huyết (glucose) trong máu thấp hơn mức tiêu chuẩn.

Mặc dù không cần phải cắt bỏ hoàn toàn đường ra khỏi chế độ ăn uống, chúng ta có thể tự cắt giảm hoặc ngưng dùng đồ uống có đường để có lối sống lành mạnh hơn và cải thiện sức khỏe tổng thể. Nếu bạn đã quen dùng kèm đồ uống có đường trong bữa ăn, bạn luôn có thể lựa chọn thức uống khác lành mạnh hơn (chẳng hạn như nước lọc, nước ép trái cây tươi hoặc sữa tươi).