TỌA ĐÀM VỀ QUẢN LÝ BỀN VỮNG CHẤT THẢI NHỰA TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE


Ngày 30 tháng 7 năm 2024 tại Thành Phố Hạ Long đã diễn ra  cuộc Tọa đàm về quản lý bền vững  chất thải nhựa trong chăm sóc sức khỏe nhằm thảo luận về chính sách hiện hành , những khó khăn, thách thức và giải pháp trong Quản lý chất thải nhựa y tế với mục tiêu góp phần nâng cao công tác quản lý chất thải nhựa y tế tại Việt Nam.

Ảnh: Các đại diện chia sẻ trong phần Đối thoại

Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở y tế triển khai giảm thiểu và quản lý bền vững chất thải nhựa y tế, góp phần giảm phát thải chất thải nhựa từ các cơ sở y tế ra môi trường, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) đã và đang triển khai Sáng kiến “Xây dựng Mô hình Kinh tế tuần hoàn trong Quản lý chất thải nhựa y tế”, thuộc Dự án “Giảm thiểu Ô nhiễm” do Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan Chủ quản, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường là Chủ Dự án, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là đơn vị tài trợ thông qua Tổ chức Winrock International.

Ảnh: Ông Bikash Pandey – Giám đốc Chương trình Năng lượng sạch, Quyền Giám đốc “Dự án Giảm thiểu ô nhiễm” Tổ chức Winrock International phát biểu tại Tọa đàm

Trong ngày 30 tháng 7, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) kết hợp với Mạng lưới “Đối tác hành động về Nhựa và sức khỏe” (Plastic and Health Action Partnership – PHA) đã tổ chức thành công chương trình Tọa đàm về Quản lý bền vững chất thải nhựa trong chăm sóc sức khỏe với sự tham dự của các đại biểu từ nhiều Cục, Viện, Sở và các Bệnh viện thuộc khuôn khổ Sáng kiến.

Ảnh: Các đại biểu trao đổi trong phần Thảo luận tại Tọa đàm

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm phát sinh khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tỷ lệ nhựa chiếm 10 – 20% (mỗi năm phát sinh khoảng 2,5 – 5 triệu tấn chất thải nhựa). Trong lĩnh vực y tế,  một lượng lớn chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động khám, chữa bệnh và hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc,…Mục tiêu của quản lý bền vững chất thải y tế hướng tới  không tạo ra ảnh hướng môi trường và sức khỏe cho các thế hệ tương lai của chúng ta. Bởi vì theo các nghiên cứu thì chất thải nhựa có tác hại rất lớn đến sức khỏe con người. Các chất vi nhựa khi xâm nhập vào cơ thể qua chuỗi thực phẩm hay được hít qua cơ quan hô hấp có thể gây vô sinh, rối loạn hệ nội tiết của trẻ em, phụ nữ, thậm chí gây ung thư, các bệnh tâm trí, tim mạch vvv.

Tuy nhiên những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động y tế có thể dần dần từng bước được thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay tạo tác động tập thể của các bên liên quan khác nhau; đồng thời, các chất thải nhựa phát sinh, nếu được tái sử dụng, tái chế một cách hợp lý, hiệu quả và an toàn, sẽ không chỉ mang lại giá trị nhân văn cho môi trường và sức khỏe con người mà còn có thể tạo ra lợi ích kinh tế xã hội.

Ảnh: Các đại biểu tham dự Tọa đàm cùng chụp một bức hình lưu niệm

Tọa đàm đã thành công trong việc chia sẻ và thảo luận về thực trạng, chính sách và giải pháp liên quan đến Quản lý chất thải nhựa y tế nhằm góp phần nâng cao công tác quản lý chất thải nhựa y tế tại Việt Nam. Các nội dung đã nêu về Quản lý chất thải nhựa trong chăm sóc sức khỏe sẽ là tiền để để PHA và CHERAD tổ chức sự kiện ra mắt Ban sức khỏe trực thuộc PHA vào ngày 31 tháng 7. Ban sức khỏe sẽ tận dụng chuyên môn Y tế của các thành viên nhằm đóng góp các nội dung về Y tế, sức khỏe cho Mạng lưới PHA  từ đó chung tay trong việc thúc đẩy Quản lý chất thải nhựa cùng với các bên liên quan tại các cơ sở Y tế trên toàn quốc.

Bảo Ngọc