Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản nghe giới thiệu về Sáng kiến Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế


Ngày 25/10/2023, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường sức khỏe (CHERAD) đã có cơ hội giới thiệu Sáng kiến Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế thuộc Dự án Giảm thiểu ô nhiễm do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ với đoàn đại biểu cấp cao của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản trong chuyến thăm và làm việc của đoàn với Đại học Cần Thơ.

Ông Brian Bean, đại diện Tổ chức Winrock International giới thiệu về các dự án do USAID tài trợ và bà Tô Thị Liên, điều phối viên Sáng kiến Mô hình bền vững quản lý chất thải nhựa y tế, giới thiệu về Sáng kiến với đoàn đại biểu lãnh sự 3 nước. Credit ảnh: ĐH Cân Thơ

Đại diện của Trung tâm CHERAD đã giới thiệu về Sáng kiến Mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế, được thực hiện từ năm 2022 – 2025. Đến nay, Sáng kiến đã hoàn thành khảo sát ban đầu tại các bệnh viện về hiện trạng quản lý chất thải nhựa y tế và ký kết thỏa thuận hợp tác với 3 bệnh viện tại Cần Thơ, Phú Thọ và Quảng Ninh để xây dựng và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ các bệnh viện thực hiện quản lý bền vững chất thải nhựa y tế, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường.

Đặc biệt, trong tháng 9/2023, CHERAD và bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh viện đầu tiên trong số 4 bệnh viện tham gia thí điểm đã thống nhất được mô hình để thực hiện thí điểm. Theo kế hoạch, CHERAD sẽ hỗ trợ bệnh viện áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế, bao gồm bảy bước chính: (1) Sản xuất xanh; (2) Mua sắm xanh; (3) Sử dụng có trách nhiệm; (4) Phân loại và thu gom riêng chất thải nhựa; (5) Xử lý khử khuẩn (đối với chất thải nhựa lây nhiễm); (6) Tái chế chất thải; và (7) Tái lưu thông vào chu kỳ kinh tế.

Chuyến thăm quan và làm việc với Đại học Cần Thơ nằm trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng lãnh sự và tùy viên quốc phòng của Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản nhằm nhấn mạnh cam kết chung của các quốc gia trong việc hỗ trợ phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói riêng và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Đây là một cơ hội lớn cho Sáng kiến và các dự án hỗ trợ phát triển bền vững tại khu vực, thu hút sự quan tâm của các quốc gia Đối tác Chiến lược với Việt Nam cũng như giới truyền thông, từ đó góp phần lan tỏa nhận thức tới cộng đồng trong nước và quốc tế. Sự kiện cũng giúp Sáng kiến tăng cường kết nối với các đối tác trong nước và quốc tế để hướng tới mục tiêu áp dụng thành công và bền vững mô hình thuộc Sáng kiến.

Quang Huy